BITCOIN (Vietnamese version)

TỔNG QUAN

Dạo gần đây cộng đồng tài chính thường hay nhắc đến Bitcoin như một khoản đầu tư sinh lợi khá lớn. Kể cả GARP cũng đã đưa Bitcoin vào việc nghiên cứu quản trị rủi ro, cho thấy dần dần Bitcoin đang thật sự tác động vào thị trường tiền tệ cũng như hệ thống thanh toán quốc tế.

Bài viết này được viết lại (theo cách tác giả hiểu) từ nguyên bản bài nghiên cứu của Rainer Bohme và cộng sự (2015). Ngoài ra tác giả còn tham khảo từ nhiều nguồn trên Internet, bạn đọc có thể tham khảo tại Danh mục tài liệu tham khảo. Tác giả viết bài không nằm ngoài mục đích lưu trữ kiến thức và thảo luận nhóm.

KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA BITCOIN

Bitcoin là một giao thức giao tiếp trực tuyến sử dụng lợi thế của đồng tiền ảo như thanh toán điện tử.

Mọi đồng tiền đều có quy luật vận hành riêng của nó, và Bitcoin không phải là ngoại lệ. Điểm khác biệt của Bitcoin so với các đồng tiền khác chính là luật được quy định/ thiết kế bởi các kỹ sư công nghệ và chưa chịu sự tác động của luật pháp (ít nhất là tính tới thời điểm hiện tại). Từ đó cũng cho thấy một nhược điểm của hệ thống luật pháp, đó là khó có thể bắt kịp được xu hướng của thế giới với tốc độ tăng trưởng/lan tỏa (rất) nhanh. Thay vì lưu trữ các giao dịch trên 1 máy chủ nào đó hoặc một bộ các máy chủ, Bitcoin được xây dựng dựa trên bản ghi các giao dịch (transaction log) được phân phối thông qua mạng lưới các máy tính, bao gồm các cơ chế để thưởng những “người” tham gia trung thực (vì Bitcoin được phát triển dựa trên một mã nguồn mở, nên không thể tránh khỏi 1 số tay chơi gian xảo lừa lọc), hoặc để thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi của những tay chơi mới, và cũng để bảo vệ đối với sự tập trung quyền lực vào một nhóm đối tượng. Bất kì ai cũng có thể tạo lập tài khoản Bitcoin mà không tốn phí cũng như không có thủ tục rà soát rườm rà, thậm chí cũng chẳng cần phải cung cấp tên thật (chính vì vậy nên xác suất cho việc lừa đảo cũng sẽ cao hơn). Điểm lợi của những quy định này đó là hệ thống vận hành sẽ linh hoạt hơn, tư nhân hơn và ít chịu sự giám sát của pháp luật hơn những loại hình thanh toán khác.

THIẾT KẾ CỦA BITCOIN

Nguyên tắc thiết kế Bitcoin chỉ gói gọn trong 3 chữ: sự khan hiếm. Thật ra thì đối với bất kỳ loại đồng tiền nào, thì sự khan hiếm là thứ tiên quyết quyết định giá trị cho đồng tiền đó. Ở cấp bậc vi mô, sự khan hiếm sẽ bảo vệ mọi người khỏi hiện tượng làm giả. Rộng hơn xíu, sự khan hiếm sẽ khoanh vùng phát triển của cơ sở tiền tệ và từ đó ổn định giá cả. Trong kinh tế học hiện đại, đồng tiền được nắm giữ ở dạng điện tử, sự khan hiếm sẽ được bảo tồn bởi hệ thống luật pháp nhằm đảm bảo tính chuẩn xác của việc ghi nhận trong sổ sách kế toán; nghĩa là, tiền tệ điện tử sẽ liên quan đến một hệ thống tài chính trong đó các giao dịch 2 bên sẽ phát sinh tài khoản Có cho một cá nhân và tài khoản Nợ cho cá nhân còn lại. Và Ngân hàng Trung ương sẽ nắm quyền điều chỉnh lượng tiền tuyệt đốt trong nền kinh tế.

Tuy vậy, Bitcoin lại là cơ chế đầu tiên được xây dựng nhằm thay đổi cơ chế khan hiếm tuyệt đối của cung tiền. Bitcoin không có một tổ chức tập trung nào để phân phối “coins” hoặc theo dõi ai đang nắm giữ các “coins” đó. Kết quả là, tiến trình phát hành tiền tệ và chứng nhận giao dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hệ thống ghi sổ truyền thống. Trong khi đó, Bitcoin Bitcoin phát hành đồng tiền mới cho các bên cá nhân ở một mức độ được kiểm soát nhất định nhằm cung cấp động lực cho các bên này duy trì hệ thống ghi sổ, bao gồm cả việc chứng nhận và hiệu lực hóa các giao dịch.

GIAO DỊCH BITCOIN NHƯ THẾ NÀO?

Phần mềm Bitcoin core có thể được download miễn phí tại link này.

Bitcoins được ghi nhận như những giao dịch, chứ không đơn thuần là tiền tệ vật lý. Một tài khoản nào đó tên A không thật sự nắm giữ 3 bitcoins, thay vào đó, A tham gia vào một giao dịch có thể chứng nhận được một cách công khai rằng anh ta nhận 3 bitcoins từ B. A có thể chứng nhận rằng B hoàn toàn đủ khả năng chi trả bởi vì trước đó có thể B đã nhận 3 bitcoins từ C và B chẳng hề chi tiêu 3 đồng này.

Bitcoin phụ thuộc vào 2 công nghệ cơ bản từ mật mã: public-private key và cryptographic validation . Public-private key cho phép người dùng tạo một public key và một private key gắn kèm với public key đó. Public key được dùng như tên gọi, bí danh của người dùng. Thư từ được mã hóa nhờ vào Public key chỉ có thể được đọc bởi người có Private key tương ứng, điều này cho phép người gửi thư chỉ để cho một người cụ thể nào đó đọc. Ngược lại, khi thư từ được mã hóa nhờ vào Private key thì chỉ có người có Public key tương ứng mới đọc được. Ví dụ, C có 3 bitcoins và muốn đưa cho B. C sẽ công khai 1 tin nhắn trong mạng Bitcoin nói rằng C sẽ chuyển 3 đồng này, với thông số của giao dịch mà C đã nhận trước đó. Một phần của tin nhắn này sẽ được C mã hóa bằng Private key của mình (giống như 1 dạng ký tên đóng dấu). Sau đó B cũng sẽ công khai một tin nhắn, và mã hóa tin nhắn này bằng Private key của mình, nói rằng B đã nhận “tiền” từ C và gửi đống này cho A (thực ra 3 đồng giá bây giờ cũng cả trăm triệu đấy chứ). Mạng Bitcoin xác nhận A, B, C chỉ bằng Public key của họ (giống như số CMND í).

Về Cryptographic validation, tất tần tật các giao dịch mới mà đã được công khai trên mạng Bitcoin sẽ được nhóm lại với nhau theo chu kì nào đó trong một Block của các giao dịch gần đây. Để đảm bảo không tồn tại một giao dịch nào chưa được chứng nhận, block này sẽ được so sánh với 1 block khác được công khai gần nhất, từ đó tạo thành một chuỗi các block được liên kết với nhau, gọi là Block chain. Cứ 10 phút một lần thì một Block mới được thêm vào chuỗi này. Theo đó, bất kì người dùng nào cũng có thể chứng nhận rằng giao dịch trước đó là thật sự xảy ra.

Nền tảng chính của toàn bộ hệ thống Bitcoin là giữ cho các giao dịch được ghi nhận và cập nhật liên tục. Để khuyến khích người dùng hỗ trợ nền tảng đó, hệ thống Bitcoin hằng kỳ sẽ thưởng những đồng bitcoin mới cho người dùng nào có thể giải được câu đố toán học dựa trên nội dung của block đã tồn tại trước đó (đối với dân Việt Nam thì hành động giải toán như vậy gọi là “đào”). Bạn nào đào nhanh hơn, bạn đó hưởng nhanh hơn, nhưng không đồng nghĩa bạn đó giải đúng, bạn giải đúng bạn mới được hưởng.

Có thể hình dung như vầy. Anh D nào đó muốn mua tài sản bằng Bitcoin, D sẽ phải dùng smartphone để quét mã QR trên bill đó, tài khoản Bitcoin của D sẽ chấp nhận giao dịch này, nhưng lúc này giao dịch này chưa được công khai, mà D sẽ phải có một “thông cáo thiên hạ” là tôi đã mua tài sản đó, các bạn xác nhận giúp tôi với (các bạn ở đây chính là cộng đồng mạng bitcoin, tức là các thợ mỏ, thợ đào - họ được trả tiền để làm việc này). Sau khi giao dịch này được xác nhận, sẽ lập tức được ghép với các giao dịch xảy ra gần nhất và tạo thành 1 Block, đến lược Block này ghép với các Block trước thành chuỗi Block. Cuối cùng giao dịch kết thúc. Đối với phía những ng xác nhận, họ sẽ nhận 1 bài toán và cố gắng giải. Thời gian xác nhận như vậy là trung bình 10 phút, như vậy D sẽ phải chờ 10 phút. Nhưng nếu tài sản D muốn mua không có giá trị liên thành, thì thời gian chờ sẽ thấp hơn, nhiều khi chỉ vài giây.

ĐỘNG LỰC NÀO KHIẾN NGƯỜI DÙNG THAM GIA BITCOIN?

Rõ ràng nhất là những thợ đào sẽ được thưởng nếu như xác nhận thành công block chain. Ban đầu họ sẽ được thưởng \(50\) bitcoins, sau đó cứ theo 1 chu kỳ (hình như 4 năm) thì số tiền thưởng này giảm đi một nữa, hiện tại được ghi nhận là \(25\) bitcoin vào 25 tháng 3 năm 2015. Sau khi \(21\) triệu bitcoins được tung ra, phần thưởng sẽ giảm về \(0\) và khi đó, lượng “tiền” trong hệ thống sẽ ổn định. Như vậy, hệ thống thiết kế Bitcoin trong việc mở rộng quy mô ở tốc độ được kiểm soát và giới hạn được số lượng Bitcoin sẽ phát hành.

Ngoài ra những thợ đào còn có nguồn thu nhập thứ hai. Khi “niêm yết” một giao dịch, người bán và người mua có thể trả một mức phí giao dịch, như là tiền thưởng cho bất kỳ thợ đào nào giải quyết bài toán chứng nhận giao dịch đó. Loại phí này là không bắt buộc, nhưng có đến \(97\%\) giao dịch năm 2014 có bao gồm loại phí này, hầu hết được đặt tại mức mặc định là \(0.0001\) bitcoin.

#HẠN CHẾ CỦA BITCOINS

So với hệ thống thanh toán truyền thống, Bitcoin thiếu đi cấu trúc quản lý của chính phủ. Điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Thứ nhất, Bitcoins không có nghĩa vụ đối với các định chế tài chính về việc xác minh danh tính người dùng hoặc kiểm tra chéo với danh sách theo dõi hoặc các quốc gia bị cấm vận. 1 ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp bạn A đang là đối tượng theo dõi về hành vi rửa tiền. Thứ hai, Bitcoins không cấm việc bán một đối tượng cụ thể, chẳng hạn: ma túy. Cuối cùng, thanh toán Bitcoin không thể đảo ngược được, nghĩa là thanh toán nhầm đối tượng mình muốn mua thì không có chuyện đổi trả lại.

RỦI RO TRONG HỆ THỐNG BITCOIN

Bất kì người dùng bitcoins nào cũng đều phải đối mặt với market risk thông qua sự dao động của tỷ giá giữa Bitcoin và một đồng tiền khác. Ngoài ra bitcoin còn đối mặt với shallow markets problem, như là một người muốn giao dịch lượng lớn bitcoin thông thường không thể thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng đến giá trị trường được (endogenous liquidity risk). Cho trước một hệ sinh thái Bitcoin tập trung (Bitcoin được giao dịch qua sàn), thì counterparty risk trở nên cực quan trọng. Tính không thể đảo ngược của thanh toán Bitcoin lại tạo ra transaction risk, và dường như đây là rủi ro bị phê phán nhiều nhất của Bitcoin. Ngoài ra cũng không thể không đề cập đến operational risk khi đề cập đến vấn đề bảo mật và cấu trúc hạ tầng kỹ thuật của Bitcoin. Việc các giao dịch được liên kết với những người đã thực hiện khiến cho hệ thống này nảy sinh thêm privacy risk. Và cuối cùng, hệ thống này tất nhiên sẽ phải đối mặt với legal and regulatory risk ở khắp các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bitcoinvietnam.info. Truy cập ngày 11/5/2017.

[2] Clix5.com. Truy cập ngày 11/5/2017.

[3] Rainer Böhme, Nicolas Christin, Benjamin Edelman, and Tyler Moore, 2015. Bitcoin: Economics, Technology, and Governance. Journal of Economic Perspectives, Vol 29, No 2, Spring 2015, p. 213-238.